Trận Hán Trung diễn ra trong giai đoạn năm 217 – 219, tập hợp gần như toàn bộ các danh tướng và mưu sĩ thời bấy giờ ở phe Thục Hán, chỉ trừ Gia Cát Lượng ở lại Thành Đô lo việc hậu cần và Quan Vũ (trấn giữ Kinh Châu).
Hán Trung (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, là một thung lũng nằm giữa hai ngọn núi. Khu vực này có nhiều đường núi hẹp ở giữa, dẫn ra các khu vực rộng lớn ở cả phía bắc và phía nam. Quân Tào Ngụy muốn xuống phía nam chinh phạt Thục Hán cần đi qua Hán Trung và ngược lại.
Trương Lỗ, một thủ lĩnh quân phiệt thời Tam Quốc, là người đã kiểm soát Hán Trung suốt 20 năm, cho đến khi thế chân vạc thời Tam Quốc hình thành.
Năm 215 Tào Tháo xuất binh đánh Hán Trung, khiến Trương Lỗ đầu hàng. Tư Mã Ý khuyên Tào Tháo nên nhân đà thắng lợi kéo quân xuống Tây Xuyên (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), đánh sâu vào đất Thục nhưng Tào Tháo không nghe, chỉ để Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp ở lại trấn thủ.
Mùa đông năm 217, Lưu Bị ra lệnh cho Trương Phi và Mã Siêu đem quân lên phía bắc, nhằm cô lập Hán Trung nhưng thất bại. Trương Phi rút lui an toàn, nhưng tướng Ngô Lan của phe Thục Hán bỏ mạng.
Tháng 4.218, Lưu Bị giao Gia Cát Lượng trọng trách trấn giữ Thành Đô, trực tiếp thống lĩnh đại quân cùng quân sư Pháp Chính và lão tướng Hoàng Trung, cùng các bộ tướng, dẫn quân tiến về Hán Trung. Lưu Bị đem quân công kích ải Dương Bình, cửa ngõ vào Hán Trung nhưng lại gặp phải sự kháng cự quyết liệt của tướng Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên.
Nghe theo lời khuyên của Pháp Chính, Lưu Bị quay sang hạ trại ở núi Định Quân (cửa ngõ phía tây Hán Trung). Hạ Hầu Uyên đem quân đánh úp Lưu Bị, nhưng bị Hoàng Trung phục kích dẫn đến mất mạng.
Không lâu sau, Tào Tháo thống lĩnh đại quân lên tới 10 vạn binh sĩ, từ Trường An kéo đến Hán Trung. Lưu Bị biết Tào Tháo hành quân từ xa đến, phụ thuộc rất nhiều vào lương thảo, bèn phái binh đi cướp lương.
Hoàng Trung và Triệu Vân không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn bẻ gãy các đợt phản công, thừa cơ truy kích ngược quân Ngụy đến sông Hán Thủy, khiến đối phương tổn thất nặng nề. Sau khi giành được lợi thế về lương thảo, Lưu Bị chủ trương phòng thủ chặt, chỉ đáp trả các đợt tấn công lẻ tẻ từ Tào Tháo.
Tháng 5.219, thời tiết chuyển sang mùa hè, khiến quân Ngụy ngày càng gặp bất lợi. Tào Tháo năm đó 64 tuổi, không chắc đánh bại được đại quân của Lưu Bị, nên đành bỏ Hán Trung, rút về thành Trường An.
Trước khi rút lui, Tào Tháo nói với các tướng: “Ta vốn không tin là Lưu Bị có tài đến thế. Bên cạnh hắn hiện đã có người tài (ám chỉ Pháp Chính)”.
Xem tập tiếp theo:
- Tập 58: Dâng nước ngập bảy đạo quân